Khi thời hạn lưu trú đã hết bắt buộc du học sinh du học Nhật Bản phải làm thủ tục gia hạn thêm thời gian lưu trú. Tuy nhiên, phải gia hạn như thế nào không phải bạn nào cũng biết. Hãy cùng tìm hiểu về những điều kiện và thủ tục gia hạn Visa tại Nhật Bản cho du học sinh trong bài dưới đây nhé.
I. ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC GIA HẠN VISA TẠI NHẬT BẢN
1.1 Yêu cầu về học tập
- Sinh viên khi du học Nhật Bản muốn được gia hạn visa phải đảm bảo có tỷ lệ đi học từ 80% trở lên; không vi phạm các quy định của nhà trường cũng như pháp luật Nhật Bản và đã đóng học phí kỳ 1 năm thứ 2.
- Cách tính tỷ lệ đi học (theo %) như sau:
- Các trường học tại Nhật Bản tính tỷ lệ đi học dựa vào số tiết học sinh đi học chia cho tổng số tiết tháng đó. Nếu học sinh không nghỉ tiết nào thì tỷ lệ đi học là 100%. Vì vậy, học sinh cần hết sức chú ý những tháng có ít tiết học.
- Ví dụ , tháng 8 học sinh có 20 tiết học (tương đương với 5 buổi học). Nếu học sinh nghỉ học 4 tiết (tương đương 1 buổi học) trong tháng đó thì tỷ lệ đi học chỉ còn 80%. Đến thời điểm nộp hồ sơ xin visa hoặc xin học vào trường đại học, cao đẳng hoặc senmon; trường sẽ tính trung bình tỷ lệ đi học của tất cả các tháng của học sinh đó.
- Tỷ lệ đi học là một tiêu chí cực kỳ quan trọng vì Cục lưu trú sẽ xem xét học sinh có được gia hạn visa hay không. Nếu tiêu chí này thấp hơn 80% thì học sinh sẽ không được gia hạn visa tại Nhật Bản. Các trường đại học, cao đẳng hay senmon sẽ dựa vào tiêu chí này để quyết định xem học sinh có đủ điều kiện nhập học không.
- Đối với các trường Đại học, phần trăm số buổi đi học của học sinh phải từ 90% trở lên. Đối với các trường Senmon, phần trăm số buổi đi học của học sinh phải từ 80% trở lên. Vì thế học sinh cần phải chú ý đi học đầy đủ, không bỏ tiết. Trong trường hợp bị ốm, học sinh phải gọi điện tới trường. Nếu trường xác nhận là đúng thì những buổi nghỉ học do bị ốm sẽ không bị trừ vào số buổi đi học.
– Đi học muộn, về sớm, đều coi như là nghỉ học buổi đó.
– Tỷ lệ đi học phải trên 90% số buổi học.
– Nếu tỷ lệ đi học dưới 90% số buổi học thì nhà trường sẽ gọi điện về thông báo cho gia đình biết và sẽ khó khăn khi gia hạn visa.
– Nếu nghỉ học nhiều sẽ có thể bị đuổi học.
– Trong giờ học không được hút thuốc, uống nước, ăn quà vặt, ăn cơm.
– Không được sử dụng điện thoại trong giờ học; không để điện thoại trên mặt bàn.
1.2 Yêu cầu về nộp học phí
- Một trong những điều kiện bắt buộc khi muốn xin gia hạn Visa tại Nhật Bản đối với du học sinh là du học sinh phải đóng học phí năm thứ 2.
- Trước khi kết thúc năm học thứ nhất khoảng 3 tháng, học sinh cần chuẩn bị tiền để đóng học phí năm thứ 2. Khoản tiền này học sinh nên nhờ gia đình ở Việt Nam chuyển khoản trực tiếp qua tài khoản nhà trường tại Ngân hàng ở Việt Nam; số tiền theo bảng thông báo học phí nhà trường gửi về.
- Điều này để chứng minh việc gia đình có đủ điều kiện tài chính và sẵn sàng chi trả để con em theo học tại trường.
II. THỦ TỤC GIA HẠN VISA TẠI NHẬT BẢN
Việc gia hạn Visa tại Nhật Bản chi phí vào khoảng 4000 yên. Thông thường khi bạn nộp đủ giấy tờ xin gia hạn, giấy tờ của bạn hợp lệ thì trong vòng hai tuần bạn sẽ được thông báo gia hạn và sẽ mang hộ chiếu cùng tiền lệ phí (mua tem tại Cục quản lý nhập cảnh) để nhận visa gia hạn.
2.1 Nơi nộp đơn xin gia hạn visa du học sinh
- Bạn đến nộp tại 入国管理局 (thường gọi là nyukan) tại địa phương.
- Tìm địa chỉ của nyukan gần nhà bạn tại website của cục xuất nhập cảnh Nhật Bản
- Những giấy tờ cần thiết:
1. Đơn xin gia hạn visa. Bạn điền các trang 1, 2, 3. Hai trang còn lại do trường học điền. (Xem hướng dẫn điền ở mục 3)
2. 1 tấm ảnh 3*4 chụp trong khoảng 3 tháng trở lại đây.
3. Giấy chứng nhận đang học ở trường (在学証明書): Giấy này xin ở trường bạn
4. Giấy chứng nhận thành tích học (学業成績証明書): Xin ở trường
5. Hộ chiếu
6. Thẻ lưu trú (在留カード)
7. Thẻ học sinh (学生証)
8. Tiền làm thủ tục 4,000 円 (Nộp khi đến lấy thẻ lưu trú mới)
9. Các loại giấy chứng nhận hỗ trợ thu nhập ví dụ như chứng nhận học bổng (奨学金支給証明書), giấy nhận tiền (送金証明書), thẻ tiết kiệm (預金通帳の写し),…
2.2 Các bước nộp đơn
- Bạn xin các giấy tờ cần thiết ở trường trong mục 2, điền đơn và đến Nyukan để nộp. Ở đó bạn viết địa chỉ lên tờ bưu thiếp được phát.
- Sau khoảng 2 tuần thì bạn sẽ nhận được thông báo gửi về nhà (là tờ bưu thiếp đã viết địa chỉ kia). Bạn chuẩn bị 4000 yên và đơn xin làm các hoạt động ngoài tư cách lưu trú (để làm thêm, mỗi lần làm lại visa đều phải xin lại dấu cho phép làm thêm).
- Bạn phải nộp đơn trước khi hết hạn visa.
2.3 Cách điền đơn
Các mục trong mẫu:
1. Quốc tịch
2. Ngày tháng năm sinh
3. Tên
4. Giới tính
5. Nơi sinh
6. Tình trạng hôn nhân. (khoanh 有 nếu bạn đã kết hôn và 無 nếu vẫn độc thân)
7. Nghề nghiệp: điền 学生
8. Quê quán ở Việt Nam
9. Địa chỉ và số điện thoại ở Nhật
10. Số hộ chiếu và thời hạn hộ chiếu (xem ở trang đầu tiên của hộ chiếu)
11. Tư cách lưu trú: điền 留学. Thời hạn lưu trú và ngày hết hạn xem trên thẻ lưu trú của bạn
12. Số thẻ lưu trú (xem ở góc trên của thẻ)
13. Thời gian gia hạn bạn mong muốn (sau khi xét duyệt có thể không được như hạn viết)
14. Lý do gia hạn
15. Có lịch sử phạm tội hay không
16. Thành viên gia đình ở Nhật (không có thì không điền)
17. Thông tin về trường học: Tên trường, địa chỉ, số điện thoại
18. Số năm đi học (tính từ lúc học tiểu học)
19. Bậc học cuối cùng hoặc bậc học đang học, tên trường, thời điểm tốt nghiệp hoặc dự định tốt nghiệp
20. Năng lực tiếng Nhật: Điền chứng chỉ tiếng Nhật hoặc khóa học tiếng Nhật bận từng nhận
21. Lịch sử học bằng tiếng Nhật (điền trong trường hợp bạn học bậc phổ thông trung học ở Nhật)
22.
– Tích và điền số tiền hỗ trợ tài chính ở Nhật: tiền do bạn kiếm được, tiền từ nước ngoài hỗ trợ, tiền do người hỗ trợ ở Nhật, học bổng.
– Trường hợp nhận tiền chuyển từ nước ngoài
– Thông tin người hỗ trợ (tên, địa chỉ, nghề nghiệp, thu nhập)
– Quan hệ của người hỗ trợ với người làm đơn (trong trường hợp bạn tích vào ô có người hỗ trợ tài chính)
– Thông tin cơ quan đoàn thể cấp học bống (trong trường hợp bạn nhận học bổng).
23. Nếu bạn đang làm thêm thì điền thông tin về chỗ làm và thu nhập của bạn vào
24. Dự định của bạn sau khi tốt nghiệp: 帰国 (về nước); 日本での進学 (học tiếp ở Nhật); 日本での就職 (Đi làm ở Nhật) その他 (dự định khác)
25. Người bảo lãnh ở Nhật (nếu bạn đang học cấp 2 hoặc tiểu học)
26. Người đại diện ở Nhật (nếu người đại diện điền đơn hộ bạn)
- Nếu bạn dự định ra khỏi Nhật trong thời gian thị thực có hiệu lực, nên xin luôn giấy phép tái nhập cảnh một lần hoặc nhiều lần cùng với việc gia hạn thị thực.
- Việc gia hạn visa tại Nhật Bản rất quan trọng đối với mỗi du học sinh. Khi học tập và làm việc bên xứ người thì bạn phải cẩn trọng hơn trong các thủ tục pháp lý, nhất là thủ tục thị thực để tránh việc vô tình bạn trở thành người lưu trú trái phép.